Tính đến năm 2013, cả nước có hơn 600 tổ chức KH và CN ngoài công lập (đơn vị 81). Hầu hết các tổ chức này trực thuộc Liên hiệp các hội KH và KT Việt Nam (VUSTA). Có trên 2,3 triệu người đang làm NCKH trong các tổ chức này và đa số họ là những người có trình độ cao, có thời gian cống hiến, có kinh nghiệm làm việc,... thế nhưng thực tế trong nhiều năm qua lực lượng các nhà khoa học này chưa có nhiều cơ hội để phát huy hết tiềm năng của mình, cũng như đóng góp công sức cho sự nghiệp chung của đất nước.
Lý do là vì sao? Câu trả lời này đã được các nhà khoa học “mổ xẻ” tại Hội thảo Nguồn nhân lực của các tổ chức KH và CN ngoài công lập, thực trạng và khả năng phối hợp với các cơ quan Nhà nước do VUSTA tổ chức ngày 20/12 tại Hà Nội.
![]() |
Nguồn lực tinh túy nhưng chủ yếu dừng lại ở việc đóng góp ý kiến
Báo cáo điều tra, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực KH và CN trong hệ thống VUSTA được thực hiện trong năm 2013 cho thấy có đến 49,1% tỷ lệ người đứng đầu tổ chức KH và CN trong toàn hệ thống VUSTA có trình độ tiến sĩ. Tỷ lệ người đứng đầu tổ chức KH và CN loại hình viện nghiên cứu có trình độ tiến sĩ đạt tới 90,32%, trong đó gần ½ trong số này có học hàm PGS và GS. Đối với các hội chuyên ngành tỷ lệ này đạt 63,64%. Theo kết quả điều tra trình độ làm việc tại các đơn vị 81 này cũng cho thấy đã số người có học hàm học vị cao làm việc tại đây là người có độ tuổi trên 60.
Tỷ lệ này đồng nghĩa với việc rất nhiều thành viên sau khi đến tuổi nghỉ hưu tại các cơ quan Nhà nước tham gia hoạt động tại các tổ chức KH và CN ngoài công lập. Nhưng đây đồng thời cũng là lợi thế của các tổ chức này. GS. Đinh Văn Nhã, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Đào tạo OMEGA, Phó Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam khẳng định các nhà khoa học trong các tổ chức ngoài công lập có năng lực, thời gian, nhiệt huyết cống hiến và kinh nghiệm làm việc lâu năm. Tuy nhiên, nhược điểm là hiện nay họ làm việc hết sức tản mạn, thiếu sự liên kết, thậm chí là vô hướng.
Cùng quan điểm này, TS. Phạm Bích San, Phó Tổng thư ký VUSTA kiêm Trưởng ban Tư vấn phản biện và Giám định xã hội nhận định lực lượng các nhà khoa học đang làm việc trong các tổ chức KH và CN ngoài công lập là những nhà khoa học giỏi không làm việc được với hệ thống quan liêu bao cấp trong KH và CN, là những công dân Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài nắm bắt cơ hội của thị trường, là các quan chức của hệ thống Nhà nước khi về hưu muốn tiếp tục một số công việc đang làm dở hoặc khai thác nốt các mối quan hệ sẵn có.
Trước đó, trong dịp góp ý cho Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi do Ủy ban KHCN và Môi trường Quốc Hội phối hợp với VUSTA tổ chức tại Hà Nội, bà Đỗ Thị Vân, Trưởng Ban tổ chức cán bộ Liên hiệp hội cho rằng: Thực tế nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia sau khi nghỉ hưu ở khu vực Nhà nước đã quy tụ tại các tổ chức KHCN ngoài Nhà nước, họ vẫn còn có khả năng đóng góp lớn. Nhiều dự án, đề tài có thể được ấp ủ từ khi họ còn chưa nghỉ hưu nhưng chưa có điều kiện triển khai nên khi tham gia vào tổ chức KHCN ngoài công lập nếu có cơ chế chính sách hợp lý họ lại tiếp tục đóng góp nghiên cứu đó. Đây là nguồn lực KHCN quý giá. Điều quan trọng theo bà Vân là họ cần được đối xử bình đẳng như các nhà khoa học trong hệ thống công lập.
Trong báo cáo điều tra nêu trên, đánh giá chung về đội ngũ KH và CN trực thuộc VUSTA, cho thấy đây là đội ngũ có nhiều tiềm năng để khai thác, tuy nhiên đến nay mới chỉ dừng lại ở mức tập hợp để các tri thức trong hệ thống tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo, văn kiện, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, Trung ương và địa phương. Một số địa phương lớn như Hà Nội, Tp.HCM có sự tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự án kinh tế - xã hội, các kế hoạch phát triển ngành, vùng,...
Cái khó bó cái khôn
100% các tổ chức KH và CN ngoài công lập hiện nay đang hoạt động tự túc nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên và tự chủ về nhệm vụ, tài chính, tài sản, hợp tác quốc tế,... Có một số tổ chức có thể có nguồn tài trợ từ các tổ chức nước ngoài. Do đó, theo TS. Phạm Bích San, trong điều kiện môi trường thế chế như hiện nay, các tổ chức KH và CN ngoài Nhà nước vẫn hoạt động cầm chừng và có thể đi xuống do nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, nếu nguồn tài trợ nước ngoài đi xuống trong thời gian sắp tới, cụ thể là vào năm 2015, các đầu tư nước ngoài về KH và CN sẽ không còn “vô tư” như hiện nay, hoặc buộc chúng ta tham gia vào “cuộc chơi mới” - tài trợ gián tiếp thì lại càng khó khăn.
Kiến nghị của TS. Phạm Bích San là cần hành lang pháp lý kiểu mới cho KH và CN phát triển. Đặc biệt ông nhấn mạnh, các nước trên thế giới không lập kế hoạch cho KH và CN mà chỉ định hướng cho KH và CN phát triển.
Về vấn đề lập kế hoạch, ông Ngô Xuân Hùng, Ban Khoa học công nghệ và Môi trường VUSTA cho biết vì làm KH và CN theo kế hoạch cho nên nhiều báo cáo có tính khả thi nhưng “không nằm trong kế hoạch” vẫn không được thông qua. Nhiều khi rất hiểu và thông cảm cho các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học tuổi cao phải chạy đi chạy lại nhiều lần làm thủ tục nhưng VUSTA cũng phải cân đối kế hoạch hết sức khó khăn. Ông Hùng khẳng định càng đi sâu vào kế hoạch hóa trong khoa học càng bất hợp lý cho sự phát triển, đóng góp của KH và CN vào cuộc sống.
TS. Bùi Đức Thắng, Tổng Hội địa chất Việt Nam cho rằng các nhà khoa học muốn có đóng góp cho phát triển bền vững nhưng kinh phí cho phản biện khoa học quá ít. Có những trường hợp, các nhà khoa học địa chất đi lại địa bàn khó khăn vất vả, nhưng kinh phí không đủ chi tiền xăng. Nên theo TS Thắng cần thay đổi cơ chế chính sách tài chính, đặc biệt không thể để Bộ Tài chính chủ trì cấp kinh phí cho hoạt động khoa học.
Kết quả khảo sát nhu cầu trao đổi thông tin và hợp tác giữa các tổ chức xã hội và các cơ quan Nhà nước do Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển thuộc VUSTA cho thấy 56,7% ý kiến cho rằng khó khăn trong xây dựng mối quan hệ hợp tác là do cơ sở pháp lý, trong khi thuận lợi chỉ có 30%; 70% là khó khăn về tài chính, trong khi chỉ có 20% ý kiến cho rằng thuận lợi; 53,3% ý kiến cho là thiếu thông tin, trong khi chỉ có 40% cho là thuận lợi về thông tin. Điều này dẫn đến trong 10 lĩnh vực khảo sát về hợp tác thì lĩnh vực chuyển giao KHCN cộng đồng chỉ chiếm 35,7%.
Cần sự chủ động của các nhà khoa học
Báo cáo tổng kết hoạt động nghiên cứu KH và CN, Bảo vệ môi trường, điều tra cơ bản năm 2013 của VUSTA khẳng định: Trong số các đề tài/dự án được các đơn vị gửi báo cáo lên mạc dù không hưởng ngân sách trực tiếp từ VUSTA, nhưng thực chất là được tài trợ từ địa phương hoặc đơn vị nhà nước mà đơn vị giành được hợp đồng. Điều này cho thấy ngân sách nhà nước vẫn là nguồn lực chủ yếu của hoạt động NCKH ở Việt Nam chỉ là hình thức này hay hình thức khác mà thôi. Nó cũng cho thấy khả năng tìm kiếm các nguồn lực khác như ở doanh nghiệp là rất kém, đồng thời khả năng liên kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp cũng vậy. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến KH và CN khó đi vào đời sống.
Do đó, TS. Nguyễn Hữu Ninh, chuyên gia về biến đổi khí hậu cho rằng nếu KH và CN không trở thành thị trường của doanh nghiệp và ngược lại doanh nghiệp không là thị trường của KH và CN thì không thể phát huy được nguồn lực của các nhà khoa học.
PGS. Đinh Văn Nhã cho rằng nếu biết tập hợp các nhà khoa học ngoài công lập thì không hẳn thua các nhà khoa học trong các tổ chức công lập, thậm chí có thể đi xa và cao hơn. Cách tập hợp tốt nhất là để công việc tập hợp họ lại với nhau chứ không phải các nhà khoa học ngồi lại khi mọi thứ đã bày sẵn.
Các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập đã rất khó khăn để tìm cho mình một chỗ đứng “hợp pháp”. Từ đơn vị 35 (theo Nghị định 35 - HĐBT về quản lý khoa học cho phép các tổ chức kinh tế - xã hội và mọi công dân đều được quyền tổ chức và thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ,....) đến đơn vị 81. Nhu cầu thực tế khiến đơn vị 81 ngày nay đã lên đến con số không hề nhỏ cộng với số lượng hùng hậu các nhà khoa học có nhiều lợi thế. Làm thế nào để tranh thủ được, phát huy được những lợi thế này đóng góp cho sự phát triển của đất nước? Chắc hẳn các nhà khoa học ngoài công lập ngoài sự tự thân vận động còn mong chờ cơ chế chính sách hợp lý hơn từ phía Nhà nước.
Cao Minh
Số 155+156 (1+2/2014)♦Tạp chí tự động hóa ngày nay
- 12/09/2014 14:12 - Chương trình SGK cái gì Nhà nước nên làm
- 12/09/2014 14:04 - Những chia sẻ “xoáy vào điểm nóng” nền giáo dục Việt Nam của GS Ngô Bảo Châu
- 12/09/2014 14:00 - Thi làm trước không phải là làm ngược
- 12/09/2014 13:53 - Chọn đổi mới chương trình giáo dục trước hay đổi mới thi
- 21/08/2014 01:43 - Ứng dụng giao thông thông minh vào Việt Nam: Từ góc nhìn của người tham gia giao thông
- 19/08/2014 06:25 - Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội làm gì nếu nhà thầu Trung Quốc bỏ cuộc
- 16/08/2014 23:13 - Giao thông thông minh tạo lập công bằng và ứng xử văn minh trong xã hội
- 12/04/2014 06:41 - Thiết bị phân tích nhanh thành phần hóa trong công nghệ sản xuất Xi măng
- 04/02/2014 10:34 - Nhân lực KH và CN Việt Nam thời kỳ dân số vàng có kịp làm giàu trước khi già?
- 04/02/2014 10:27 - Năng lượng tái tạo khó tạo ra đột phá trong những năm tới
- 04/02/2014 10:22 - Nhân hội thảo Tự động hóa thay đổi tư duy và lối sống: Tự động hóa làm cho xã hội văn minh
- 04/02/2014 10:18 - VCCA 2013 để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp
- 19/01/2014 01:49 - Bàn về đào tạo tổng công trình sư
- 26/11/2013 00:09 - Quản lý tài chính và quản lý khoa học chưa tìm được tiếng nói chung để “cởi trói” cho khoa học
- 26/11/2013 00:06 - Bàn về thi cử khâu đột phá của cải cách giáo dục
- 26/11/2013 00:00 - Thi - - Đột phá khẩu cho đổi mới giáo dục và đào tạo
- 11/11/2013 01:53 - Trường Phương Đông hướng tới mô hình đại học 2.0
- 04/11/2013 02:22 - Con đường chưa thông Từ kiểm toán năng lượng Đến đầu tư tiết kiệm năng lượng
- 26/09/2013 09:43 - Suy tư của một người thầy khi năm học mới
- 28/06/2013 18:10 - Một số vấn đề về thu hút đầu tư phát triển khu công nghệ cao ở Việt Nam